Đăng bởi | 17:11 | 16/08/2019
Theo các nghiên cứu cho thấy, hoạt động sản xuất, nuôi tôm sử dụng năng lượng cho sục khí là nguyên nhân tiềm ẩn làm gia tăng sự nóng lên của trái đất. Do đó, kế hoạch phát triển, sử dụng và đầu tư về sử dụng điện hiệu quả trong nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TCT) nhằm tiết kiệm điện, giảm giá thành sản xuất và cải thiện tính bền vững của nghề nuôi tôm nước lợ là rất cần thiết.
Nhằm thúc đẩy phát triển nghề nuôi Tôm Việt Nam theo hướng bền vững với môi trường và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, sáng ngày 16/8/2019, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Ban quản lý dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam – SusV”; Dự án GRAISEA; Trung tâm ICAFIS, OXFAM tại Việt Nam; WWF tại Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị thúc đẩy đầu tư Năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam”.
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc – Tổng công ty Điện lực miền Nam phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị có sự góp mặt của Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; TS. Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC); Hiệp hội tiết kiệm năng lượng; Liên minh châu Âu; Các ngân hàng thương mại; Các Công ty chế biến xuất khẩu tôm; Các Công ty năng lượng mặt trời, Năng lượng gió; Các Công ty nuôi trồng thủy sản; Các Sở, ban, ngành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo đánh giá thưc trạng ngành tôm Việt Nam, hiện nay Nước ta là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới với hai loài nuôi chính là tôm sú và tôm TCT. Năm 2017, tổng diện tích nuôi tôm cả nước là 721.100 ha (tôm sú: 622.400 ha, tôm TCT: 98.700 ha); với sản lượng 683.400 tấn (tôm sú: 256.400 tấn và tôm TCT: 427.000 tấn) đạt giá trị xuất khẩu 3,85 tỷ USD. Sự phát triển của ngành tôm được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trung bình từ 8 – 10%/năm (VASEP, 2018).
Trong nuôi tôm thâm canh (TC), năng lượng được dùng trong bơm nước, cung cấp oxy, hút bùn và các hoạt động khác. Theo kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025 (Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018), thì diện tích nuôi tôm sú TC tăng 5,92% và tôm TCT tăng 7,91% với sản lượng tăng 7,96% (tôm sú) và 7,84% (tôm TCT) sẽ làm cho nhu cầu năng lượng (chủ yếu từ điện) phục vụ cho sản xuất càng gia tăng. Năm 2017, tổng diện tích nuôi thủy sản của 10 tỉnh phía Nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giuang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận) đạt hơn 428.495 ha và phải sử dụng điện khoảng 11.980 triệu kWh. Đến năm 2020, diện tích nuôi của 10 tỉnh trên là 651.266 ha và lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 30% so với năm 2017.
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị (st).
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết: Tỉnh Bạc Liêu hiện nay đang phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời góp phần sử dụng năng lượng sạch cho nền kinh tế xanh, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong hoạt động nuôi tôm là điều rất cần thiết.
Nhằm thúc đầy phát triển nghề nuôi Tôm Việt Nam theo hướng bền vững với môi trường và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, qua đó nâng cao giá trị và thu nhập cho ngành tôm Việt Nam thông qua việc đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất là điều rất cần thiết, góp phần cho nước ta nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng giải quyết được bài toán an ninh năng lượng, tiến tới một nền kinh tế phát triển bền vững.
Trác Thanh Điền – Trần Văn Thế Trung
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng