Đăng bởi | 08:02 | 14/10/2019
Không ít người nghĩ, văn phòng phẩm là những thứ lặt vặt, chẳng là gì so với khối tài sản khổng lồ của doanh nghiệp. Nhưng nếu để ý, về lâu dài thì những thứ gọi là “nhỏ nhặt” ấy lại không hề nhỏ chút nào. Tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm thì có nhiều cách để đạt được, nhưng không phải bằng cách giảm mua sắm vật tư thiết bị cho Công ty, mà bằng cách là giảm lãng phí, lạm dụng vật tư, văn phòng phẩm.
Ảnh minh họa: Những vật dụng cơ bản thường sử dụng trong văn phòng (sưu tầm)
Tiết kiệm văn phòng phẩm không chỉ góp phần giảm chi phí cho Công ty mà còn đưa tiêu chí thực hành tiết kiệm trở thành một phần trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi CNVC-LĐ cần phải nêu cao ý thức tự giác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là tiết kiệm văn phòng phẩm bằng những việc làm cụ thể như:
- Hạn chế in, photo văn bản, tài liệu không cần thiết trong các cuộc họp định kỳ, thay vào đó là ứng dụng tài liệu điện tử trên thiết bị công nghệ thông tin đã được Công ty trang bị như: Laptop, máy tính bảng, ... thông qua các phần mềm dùng chung (Eoffice, email, website, mạng wan, lan, …).
- Kiểm tra cẩn thận các văn bản, quy trình, quy định sử dụng nội bộ khi soạn thảo trên máy tính trước khi in. Tận dụng các hộp mực mới đã qua 1 lần sử dụng để bơm lại, tái sử dụng những vật dụng cơ bản trong văn phòng như: ghim, kẹp, giấy còn mặt trắng vẫn sử dụng được vào việc khác, … Việc tái sử dụng giấy vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa bảo vệ môi trường.
Thực hiện tiết kiệm văn phòng phẩm là góp phần tiết kiệm chi phí cho Công ty trong việc thực hiện tối ưu hóa chi phí theo chỉ đạo của Tổng công ty. Đồng thời cũng giúp cho đơn vị thực hiện tốt công tác 5S như: Giảm thời gian sàng lọc, tiêu hủy những tài liệu không cần thiết và quan trọng hơn hết là góp phần nâng cao ý thức của mỗi CNVC-LĐ, tạo nên ý thức tiết kiệm không chỉ đối với văn phòng phẩm mà còn là tiết kiệm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tiết kiệm cần phải trở thành văn hóa sống hằng ngày trong mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, đó cũng là một trong những yếu tố cần thiết để từng bước hình thành nên nét văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Điện lực Bạc Liêu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào” và “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; Là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Người chỉ rõ: “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to; Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra”./.
Vưu Mộng Tuyền
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng