Đăng bởi Nguyễn Ngọc Minh | 10:47 | 22/03/2022
Tục ngữ nước ta có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngày trước người Việt Nam, nam cũng như nữ, ai cũng ăn trầu, gặp nhau là đứng lại chào hỏi, để tỏ sự thân tình “mời nhau ăn một miếng trầu”. Nhưng thực ra để có cái mở đầu là đưa miếng trầu, thì vẫn phải chào hỏi nhau trước đã, chào hỏi là cái đầu tiên của “câu chuyện”. Nghi thức chào hỏi của người Việt không chỉ thuộc phạm vi văn hoá và ngôn ngữ, nó còn thuộc phạm trù đạo đức, là một cách thể hiện nhân cách của chủ thể chào cũng như của người được chào, cho dù đó là lời chào nghi thức hoặc lời chào không nghi thức.
Trong Công ty Điện lực Bạc Liêu (Công ty) một môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân đó là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự ở Công ty. Văn hoá công sở nói chung, văn hoá giao tiếp nơi công sở nói riêng, được hình thành theo tính kế thừa và tiếp thu có sáng tạo, có chọn lọc qua các giai đoạn, do đó không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.
Tại Công ty, những giá trị văn hoá của lời chào được nâng lên như một nghệ thuật trong giao tiếp và có những nguyên tắc rất rõ ràng như: Cấp dưới chào cấp trên, trẻ chào già trước, người đến sau chào người đến trước, người từ ngoài vào chào người ở trong phòng... Việc chào hỏi được xem như một nghi thức đầu tiên trong giao tiếp, hình thức thể hiện và thái độ chào hỏi phù hợp với tuổi tác, chức vụ, môi trường công tác và tuỳ những mối quan hệ cụ thể, song phải đảm bảo những giá trị về văn hoá, đạo đức.
Lời chào hỏi khi gặp nhau là một trong những hành vi cơ bản của việc giao tiếp. Có thể nói, lời chào hỏi chính là cách gây thiện cảm với mọi người, đặc biệt khi đi kèm với một nụ cười thân thiện thì sức mạnh của lời chào càng được nhân lên. Thử tưởng tượng, vào đầu giờ buổi sáng, khi bước vào phòng làm việc, bạn lặng lẽ đến bàn làm việc của mình và cặm cụi làm việc đến cuối buổi lại lặng lẽ ra về thì không khí xung quanh sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ rất nặng nề đấy bạn ơi! Thay vào đó, bạn tươi cười chào hỏi mọi người khi bước vào phòng làm việc thì không khí trong phòng trở nên tươi vui hơn, mọi người cảm thấy thân thiện với nhau hơn.
Ảnh: Sưu tầm trên mạng Internet
Hoặc khi gặp nhau ở hành lang, cầu thang máy, chúng ta cũng nên chào hỏi nhau thay vì cúi mặt hoặc nhìn đi chỗ khác. Câu chào hỏi có thể thay đổi linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể, sao cho người đối diện có thể tiếp nhận được: “Anh/chị khỏe không?”, “Có điều gì vui không anh/chị?” hoặc thân tình đến đổi: “Khỏe không?” Hay đơn giản là một nụ cười gửi đi nhưng hiện tại là cái cúi (gật) đầu (và nụ cười nở trên môi sau chiếc khẩu trang!).
Có thể nói, chào hỏi ở nơi làm việc trở thành công cụ thể hiện tình cảm, nuôi dưỡng mối đoàn kết trong nội bộ và thể hiện được nét văn hóa của mỗi cá nhân. Nếu thực hiện tốt, mỗi chúng ta sẽ tự nâng cao giá trị của bản thân tại nơi làm việc; từ đó tạo nên được hình ảnh một tập thể văn hóa với những nét đặc trưng đã hình thành từ những ngày đầu xây dựng Văn hóa doanh nghiệp của Công ty. Đúng với tiền nhân đã dạy: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”./.
Nguyễn Ngọc Minh
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng