Đăng bởi | 09:28 | 16/05/2023
Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 diễn ra từ ngày 01/5 đến ngày 31/5 năm 2023 phạm vi trên toàn quốc, theo văn bản số 4881/KH-BCĐTƯ ngày 28/11/2022 của Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương.
Công ty Điện lực Bạc Liêu (Công ty) đã triển khai thực hiện nhiều hành động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 như: Tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp; tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động; phối hợp Công đoàn Cơ sở Công ty tổ chức thăm hỏi, động viên NLĐ bị bệnh, hướng dẫn điều trị kịp thời; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại; trang bị đầy đủ các thiết bị ATVSLĐ tại nơi làm việc; thực hiện kiểm định, kiểm tra, bảo dưỡng dụng cụ an toàn, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động,…..các hành động đều hướng đến NLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ; phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp….
Ảnh: Công ty Điện lực Bạc Liêu tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNVC-LĐ năm 2023
|
Để cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ như việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, áp dụng kể từ ngày 01/3/2023 theo Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (TT 24), quy định một số nội dung mới và quan trọng về việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Theo Điều 3, TT 24, NLĐ được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:
+ Một là, NLĐ làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.
+ Hai là, NLĐ đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong hai yếu tố: có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế; tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”.
Tham chiếu tại Điều 4, TT 24 quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền, so với quy định cũ có tăng thêm. Cụ thể theo các mức bồi dưỡng sau đây: mức 1 là 13.000 đồng/ người/ ngày (tăng 3.000 đồng); mức 2 là 20.000 đồng/ người/ngày (tăng 5.000 đồng); mức 3 là 26.000 đồng đồng/ người/ngày (tăng 6.000 đồng); mức 4 là 32.000 đồng đồng/ người/ngày (tăng 7.000 đồng).
Có thể nhận thấy rằng, quyền lợi của NLĐ ngày càng được quan tâm và hậu đãi, đó là thay đổi đáng kể trong hệ thống pháp luật Việt Nam mục tiêu đảm bảo sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể NLĐ tương ứng với các mức bồi dưỡng; đồng thời phù hợp với từng vị trí việc làm, từng công việc cụ thể và sức khỏe của NLĐ, phần nào ổn định kinh tế, tạo động lực để NLĐ càng thêm yêu nghề, trụ vững với nghề mà điều kiện làm việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Đó là những thông tin hữu ích xin chia sẽ đến NLĐ trong Công ty Điện lực Bạc Liêu nói riêng và ngành Điện nói chung./.
Tô Vũ Trang Anh
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng